Bệnh viên Âu Cơ

Thai nhi 6 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ

Đăng ngày: 16-04-2019 09:13 am

Thai nhi 6 tuần tuổi: Lời khuyên dành cho mẹ
Sự phát triển của thai nhi 6 tuần tuổi
Thai nhi tuần 6 phát triển như thế nào?
Thai nhi lúc này đã có kích thước cỡ hạt đậu và dài khoảng 0,6 cm.
Trong tuần thứ sáu, não và hệ thần kinh của bé đang phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc. Túi quang ở hai bên đầu thai nhi (phần sẽ trở thành mắt bé sau này) bắt đầu phát triển. Các đường gấp nếp sẽ tạo nên tai trong của bé cũng đã bắt đầu phát triển.
Tim của thai nhi 6 tuần tuổi bắt đầu đập trong khoảng thời gian này và có thể được phát hiện thông qua siêu âm. Hệ thống tiêu hóa và hô hấp của bé cũng được hình thành. Chồi tế bào sẽ phát triển thành cánh tay và chân cũng sẽ xuất hiện trong tuần này.
Bởi đôi chân bé cuộn tròn lại quanh thân mình trong nhiều tháng của thai kỳ, vậy nên để đo chính xác chiều cao của bé sẽ rất khó khăn. Đó cũng là lý do chiều cao của thai nhi thường được đo từ đỉnh đầu đến mông thay vì từ đầu đến chân. Vào tuần 6, thai nhi có kích thước 2–5 mm tính từ đỉnh đầu đến mông.
Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ 6
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào?
Những cảm giác khó chịu của thai kỳ sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tuần này. Mẹ hẳn sẽ cảm thấy rất uể oải khi cơ thể đang phải điều tiết cho phù hợp với các nhu cầu của thai kỳ tuần thứ 6. Ngực trở nên đau và nhạy cảm hơn và triệu chứng ốm nghén còn ập đến khiến mẹ mệt mỏi hơn. Ốm nghén có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào và có thể kéo dài cả ngày, do đó đừng ngạc nhiên nếu dạ dày của mẹ luôn trở nên nôn nao vào buổi trưa. Buồn nôn không phải là điều duy nhất khiến mẹ phải vào nhà vệ sinh nhiều lần trong ngày. Hiện tượng đi tiểu thường xuyên cũng sẽ khiến mẹ cảm thấy khá khổ sở. Nguyên nhân của hiện tượng này là do thận của mẹ phải làm việc vất vả hơn để đưa chất thải ra khỏi cơ thể.
Những điều mẹ cần lưu ý là gì?
Chúng ta bắt đầu tính toán thời gian mang thai từ ngày đầu tiên kể từ chu kỳ cuối cùng của mẹ. Vì vậy, vào lúc mẹ đang vui mừng khôn xiết khi đọc kết quả dương tính từ thiết bị thử thai (tức khoảng ba tuần sau khi thụ tinh), mẹ có thể được xem là đã có thai năm tuần.
Lời khuyên của bác sĩ về thai kỳ 6 tuần
Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?
Đối với những phụ nữ đang có tin vui như mẹ, an toàn trong thời kỳ mang thai để mẹ tròn con vuông luôn là vấn đề trọng yếu nhất. Hãy thật thận trọng khi uống thuốc, thức uống có cồn và hút thuốc bởi chúng có thể ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và bé.
Trong tháng thứ hai của thai nhi tuần 6, cảm giác vui mừng khi mẹ biết mình đang mang thai có thể sẽ sớm tan biến và thay vào đó là cảm giác lo sợ. Điều gì sẽ xảy ra nếu mẹ làm điều gì đó gây tổn hại cho bé trước khi mẹ biết mình đang mang thai? Phải làm sao đây nếu mẹ đã lỡ dùng aspirin để trị đau đầu hay đã uống ly rượu trong bữa ăn tối? Làm gì đây nếu mẹ đang bị cúm? Nếu mẹ đang lo lắng, hãy chia sẻ chúng với bác sĩ ngay để được tư vấn và chữa trị kịp thời.
Những xét nghiệm nào mẹ cần biết?
Các xét nghiệm thường làm trong lần khám thai lần đầu tiên bao gồm xét nghiệm máu để xác định nhóm máu của mẹ (A, B, AB hoặc 0) và yếu tố Rh (Rh dương hoặc Rh âm), đồng thời xác định xem mẹ vẫn còn có khả năng miễn dịch với một số bệnh từ những lần tiêm chủng trước đó, chẳng hạn như bệnh Rubella hoặc viêm gan B hay không.
Sức khỏe của mẹ và thai nhi ở tuần 6
Mẹ cần biết những gì để đảm bảo an toàn trong thai kỳ?
1. Stress
Nhiều người hẳn sẽ thắc mắc rằng stress có thể là nguyên nhân gây sẩy thai không? Trong thực tế, stress từ lâu đã bị nghi ngờ là một nguyên nhân gây ra sẩy thai sớm, nhưng có rất ít bằng chứng để chứng minh cho lý thuyết này. Ước tính có khoảng 10-20% phụ nữ mang thai bị sẩy thai. Thông thường, nguyên nhân gây sẩy thai sớm là do bất thường trong nhiễm sắc thể hoặc một số vấn đề trong các giai đoạn phát triển của phôi thai nhi. Những nguyên nhân khác gây sẩy thai sớm có thể bao gồm:
• Bất thường trong nhiễm sắc thể ở một trong hai bố mẹ
• Rối loạn đông máu
• Tử cung hoặc cổ tử cung bất thường
• Mất cân bằng hormone
• Phản ứng miễn dịch phá vỡ quá trình cấy ghép phôi thai.
Nếu mẹ lo ngại mình có thể sẩy thai, hãy tập trung chăm sóc thật tốt bản thân và thai nhi ở tuần 6 và tránh xa các nguy cơ dẫn đến sẩy thai, chẳng hạn như hút thuốc và uống rượu.
2. Lạm dụng vitamin 
Ngay cả khi phụ nữ mang thai cần nhiều các chất dinh dưỡng thì mẹ cũng đừng lạm dụng các loại vitamin bởi nhiều không có nghĩa là tốt. Trong một số trường hợp, vitamin thậm chí có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé.